|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

19 tập đoàn, tổng công ty sẽ thích ứng linh hoạt, phát huy “điểm sáng” để bứt phá trong năm 2022

Mùa xuân là mùa của những khởi đầu mới. Vượt lên khó khăn, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Điện Sê San 3A đang thực hiện những mục tiêu mới trên nền tảng là các thành quả đạt được trong năm 2021

Quyết tâm mạnh mẽ để "đổi màu" bức tranh tài chính

Hơn 3 năm hoạt động, Ủy ban từng bước phát triển, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc. Điểm sáng năm 2021 tạo động lực phát triển năm 2022.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Anh- Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Chia sẻ về những khó khăn, ông Nguyễn Hoàng Anh- Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) bày tỏ, không thể phủ nhận rằng năm qua là một năm khó khăn đối với nền kinh tế thế giới và trong nước do ảnh hưởng của dịch bệnh trên toàn cầu. Hậu quả từ vấn đề này đối với các DN thuộc Uỷ ban cũng là rất nặng nề, nhất là đối với doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực hàng không, đường sắt.

Mặc dù vậy, tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 99% kế hoạch (821.295 tỷ đồng, bằng 108% so với năm 2020). Tổng lợi nhuận trước thuế ước vượt 70% kế hoạch (34.179 tỷ đồng, bằng 93% so với năm 2020). Tổng nộp ngân sách ước vượt 27% kế hoạch (62.443 tỷ đồng, bằng 99% so với năm 2020). 13 trong 19 DN hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 14 DN hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 14 DN hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách; 5 doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao so với kế hoạch và so với năm 2020; 4 DN nộp ngân sách cao so với kế hoạch và so với năm 2020…

thể thấy, tuy tổng giá trị sản lượng giảm 1% (đạt 99%) do nhu cầu thị trường thấp đi, nhưng chỉ tiêu về lợi nhuận và nộp ngân sách thì rất cao. Những thành quả trên là nền tảng và động lực để Uỷ ban cùng các DN sẽ tiếp tục thích ứng linh hoạt, nỗ lực tăng trưởng bứt phá trong năm mới 2022”- ông Nguyễn Hoàng Anh phân tích cụ thể.

Bên cạnh đó một số DN lại biến "nguy" thành "cơ", phát triển tốt hơn trong giai đoạn vừa qua. Đơn cử như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC). Từ một DN nhà nước luôn nằm trong top đầu về thua lỗ, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, VIMC đã quyết liệt triển khai cơ cấu lại toàn diện, nắm bắt thời cơ phục hồi thị trường vận tải quốc tế để bứt phá mạnh mẽ để "đổi màu" bức tranh tài chính. Kết thúc năm 2021, VIMC báo lãi hơn 4000 tỷ, gấp 5,5 lần kế hoạch. Đáng chú ý, lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, toàn khối vận tải biển của tổng công ty đã ghi nhận lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng.

Hay như Tập đoàn Công nghiệp hoá chất Việt Nam, do ảnh hưởng của một số dự án yếu kém, nên gặp nhiều vướng mắc. Nhưng năm qua, một số dự án, nhà máy sản xuất phân bón đã hoạt động hết công suất và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường, nền kinh tế, thậm chí kể cả thị trường quốc tế. Lần đầu tiên, sản xuất kinh doanh đã có lãi sau rất nhiều năm gặp khó khăn.

Năm 2021 cũng là năm mà nhiều dự án trọng điểm đã được khởi công, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước như: Nhà máy Thủy Điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I; giai đoạn 1 Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thích ứng linh hoạt, tăng tốc hoàn thành mục tiêu năm 2022

Lãnh đạo Ủy ban cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm (2021 -2025) trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Ủy ban sẽ thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp để hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn vai trò đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty được giao quản lý; thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển...

Ông Nguyễn Hoàng Anh cùng đoàn công tác thăm quan dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình
Ông Nguyễn Hoàng Anh cùng đoàn công tác thăm quan dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình

Cụ thể, năm 2022, Tổng công ty Kinh doanh vốn và Đầu tư Nhà nước (SCIC) tập trung cao vào các giải pháp về xây dựng thể chế, chiến lược, trong đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2035. Trong công tác quản trị DN, SCIC tiếp tục tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các DN. Bên cạnh đó, áp dụng các chuẩn mực và biện pháp quản trị DN tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường công tác quản trị đối với các DN quy mô lớn, có vốn nhà nước chi phối và có vai trò quan trọng trong danh mục. Đồng thời, SCIC tiếp tục tái cơ cấu, xử lý dứt điểm tồn tại kéo dài tại một số DN trong đó có một số tập đoàn, tổng công ty mới tiếp nhận, các DN thuộc diện giám sát đặc biệt; tăng cường giám sát thực hiện Quy chế người đại diện mới và kiện toàn nâng cao chất lượng hệ thống người đại diện. Trong công tác đầu tư, báo cáo Ủy ban, các cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy trình, quy chế về đầu tư kinh doanh vốn của SCIC.

Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đặt mục tiêu tiếp tục kiểm soát tốt việc phòng chống dịch Covid-19; triển khai các giải pháp để thực hiện sản xuất kinh doanh ổn định, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia; bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại DN; đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động; có sự tăng trưởng hợp lý. TKV sẽ cung cấp đủ than cho khách hàng đã ký kết hợp đồng kinh tế, đặc biệt là hộ điện; chủ động trong nghiên cứu, dự báo thị trường. Đồng thời, hoàn thiện mô hình "sản xuất và thương mại than"; nâng cao giá trị kinh doanh than theo hướng sản xuất tối đa các loại than chất lượng cao; khai thác tối đa lợi thế của tập đoàn, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên trong việc pha trộn than nhập khẩu và than sản xuất trong nước. TKV cũng tập trung đầu tư các dự án than, khoáng sản, cơ sở hạ tầng cảng biển theo kế hoạch. Ngoài ra, DN sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, từng bước xây dựng và triển khai chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý để điều hành DN theo hướng hiện đại.

Riêng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), mục tiêu của năm 2022 là quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững.

Theo đó, PVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò để gia tăng sản lượng (đạt 10-18 triệu tấn); Hoàn thành đưa vào vận hành thương mại 2 nhà máy điện lớn: Sông Hậu 1 và Thái Bình 2; giải quyết xong tranh chấp với PM tại Dự án LP1 và cá dự án khó khăn khác. Các dự án khác như VNPoly; 3 dự án Ethanol cũng cần có giải pháp để xử lý, giải quyết có hiệu quả trong năm 2022.

Ngoài ra, các dự án lớn của Tập đoàn như Nhơn Trạch 3,4, Dự án khí Lô B cũng sẽ được khởi công. Ủy ban đã chỉ đạo PVN tập trung nguồn lực, hoàn thành các công đoạn chuẩn bị đầu tư như thu xếp vốn, lựa chọn được tổng thầu để khởi công, thực hiện và hoàn thành dự án đúng tiến độ, tạo năng lực mới, động lực mới cho sự phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn tới.

Trước những cơ hội và thách thức năm 2022, người đứng đầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN khẳng định, Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền việc hoàn thiện, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Song song, rà soát, phát hiện và đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý còn bất cập, chưa đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với tổ chức và hoạt động của Ủy ban và DN.

Lan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết