1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025: Mục tiêu đầy thách thức
Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 vừa được Quốc hội thông qua. Theo đó, đến năm 2025 Việt Nam phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, đây là mục tiêu nhiều thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Bởi số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến hết năm 2020, Việt Nam mới có khoảng 810 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động.
Như vậy có nghĩa, để đạt được mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp, giai đoạn 2021-2025, mỗi năm sẽ có khoảng 140.000 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Điều này là vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số doanh nghiệp thành lập mới có khi còn thấp hơn cả số doanh nghiệp giải thể, phá sản, dừng hoạt động.
Ảnh minh họa |
Điều này đã được chứng minh trên thực tế, 10 tháng đầu năm 2021, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới là 93.716 doanh nghiệp, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97.089 doanh nghiệp, tăng 13,5% so với cùng thời điểm năm 2020.
Nếu tính cả số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay lại hoạt động, 10 tháng đầu năm có 129.005 doanh nghiệp gia nhập thị trường. Như vậy, nếu trừ đi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thì 10 tháng số doanh nghiệp đi vào hoạt động chỉ chưa đến 30.000 doanh nghiệp. Trong khi đó, dịch Covid-19 được dự báo chưa thể chấm dứt trong 1-2 năm tới, do vậy tình hình hoạt động của doanh nghiệp vẫn vô cùng khó khăn.
Thậm chí, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), với tỷ lệ doanh nghiệp giải thể lên đến 60% số doanh nghiệp thành lập mới như những năm qua thì để đạt được mục tiêu, mỗi năm ít nhất phải có thêm 437.500 doanh nghiệp mới. Còn nếu tỷ lệ là 50/50 thì hàng năm phải có khoảng 350.000 doanh nghiệp mới, nên rất khó khả thi.
Thực tế, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 theo Nghị quyết 35/2016/NQ-CP đã không đạt được. Mặc dù giai đoạn 2016-2020, tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hầu như không xảy ra.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, với các điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư, cơ chế khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp hoàn toàn có thể phấn đất đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, cần có những giải pháp căn cơ và đột phá.
Cần triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng việc tập trung vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới, tạo niềm tin để các doanh nhân, doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư thành lập mới doanh nghiệp. |
Nguyễn Hòa