"Tăng nhiệt cuộc đua" lãi suất tiền gửi ngành ngân hàng
Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động, với mức tăng từ 0,3-0,8%, lãi suất huy động được dự báo sẽ còn tăng trong những tháng cuối năm.
"Ồ ạt" tăng lãi suất
Ngày từ đầu tháng 8, một loạt ngân hàng thương mại áp dụng biểu lãi suất tiền gửi mới được điều chỉnh tăng ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, Techcombank vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn với mức tăng khá cao. Cụ thể, kỳ hạn từ 7-11 tháng, ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất từ 4%/năm lên mức cao nhất 5,55% năm (tùy độ tuổi, số tiền gửi); khách gửi kỳ hạn từ 13-23 tháng lãi suất tăng lên 5,95%/năm thay vì mức 4,7%/năm ở biểu lãi suất trước.
Hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại Techcombank là 6,4%/năm thay vì mức 5,4%/năm của biểu lãi suất trước. Như vậy, lãi suất huy động tăng thêm cao nhất tại ngân hàng này khoảng 1,2 điểm %. Đây là lần đầu tiên Techcombank điều chỉnh tăng lãi suất trong khoảng 5 tháng qua.
Tương tự, VPBank cũng vừa cập nhật biểu lãi suất mới từ đầu tháng, với mức tăng ở các kỳ hạn. Khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tại quầy, khoảng tiền dưới 300 triệu đồng lãi suất là 5,2%/năm, tăng 0,4 điểm % so với trước đó; lãi suất gửi kỳ hạn 12 tháng cũng tăng thêm 0,1%-0,2 điểm % tùy khoản tiền gửi, lên mức cao nhất là 6,5%/năm.
Hiện lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy của VPBank cao nhất là 6,7%/năm cho kỳ hạn 36 tháng tùy khoản tiền gửi. Khách hàng gửi online, lãi suất cao nhất lên tới 7%/năm khi khách gửi từ 50 tỷ đồng trở lên cho kỳ hạn 36 tháng.
MB cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn với mức điều chỉnh tăng từ 0,18%- 0,43%; trong đó kỳ hạn 6 tháng điều chỉnh tăng tới 0,43%, qua đó đưa lãi suất tăng lên 4,87%/năm.
Tuy nhiên đó vẫn chưa phải mức tăng cao nhất. Ngân hàng Kiên Long còn tăng đến 0,6%/năm cho tiền gửi 1 tháng tại quầy, đưa lãi suất kỳ hạn này lên mức trần 4%/năm. Tại các kỳ hạn khác, ngân hàng này cũng điều chỉnh tăng từ 0,3%-0,6%/năm với khách hàng cá nhân và từ 0,3%-0,8%/năm với khách hàng doanh nghiệp. Hiện tại, các mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại KienlongBank là 7,2%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và 7,3%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
Các ngân hàng khác như ABBank, ACB, Sacombank... cũng đã có thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất với mức tăng 0,5% ở một số kỳ hạn.
Một "ông lớn" ngân hàng cũng nhập cuộc làn sóng tăng lãi suất huy động gần đây là Vietcombank đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12-60 tháng lên mức 5,4%/năm, tăng thêm 0,1 điểm % so với trước đó. Đây là lần điều chỉnh lãi suất huy động đầu tiên của Vietcombank suốt thời gian qua.
Như vậy, đến thời điểm này, trong các ngân hàng thương mại Nhà nước đã có Vietcombank, BIDV và Agribank tăng nhẹ lãi suất đầu vào, riêng VietinBank vẫn chưa có động thái điều chỉnh lãi suất huy động. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại 4 ngân hàng này vẫn là 5,6%/năm cho các kỳ hạn gửi dài.
Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất trên 7% bao gồm: SCB (7,6%), Kienlongbank (7,3%); Techcombank (7,1%). Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi này khách hàng phải gửi kỳ hạn từ 13 tháng, với khoản tiền từ vài chục tỷ đồng trở lên.
Đặc biệt biểu lãi suất huy động của ABBank xuất hiện mức lãi suất lên tới 8,8% kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,5% so với đầu tháng Bẩy - đây cũng là mức lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại ABBank.
Mặt bằng vẫn thấp so với năm 2019
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù lãi suất huy động liên tục tăng mạnh thời gian gần đây, nhưng mặt bằng chung vẫn còn thấp hơn so với năm 2019 (trước dịch Covid-19). Hiện lãi suất cao nhất trên thị trường là 7,6%/năm trong khi giai đoạn trước đại dịch, lãi suất huy động cao nhất có lúc lên tới 8,5%/năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, khi các kênh đầu tư khác như bất động sản và chứng khoán ngày càng “khó nhằn” hoặc rủi ro cao, thì người dân bắt đầu chuyển hướng sang gửi tiết kiệm. Đón đầu xu hướng này, nhiều nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục tiến hành nâng lãi suất huy động để hút tiền gửi trong dân. Do đó, lãi suất huy động có thể sẽ còn tăng tiếp trong nửa cuối năm.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 20/6/2022, huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng 3,97% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng huy động.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng dự báo, với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, nhu cầu huy động của các ngân hàng thương mại có thể đi kèm tăng lãi suất huy động trong thời gian tới. Mức độ biến động của lãi suất huy động sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng.
VCBS dự báo, lãi suất huy động có thể tăng 1-1,5 điểm % trong cả năm 2022. Lãi suất cho vay cũng sẽ tăng tuy nhiên có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động và có sự phân hóa mức tăng, thời điểm tăng giữa các ngành nghề.
Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng không còn dồi dào
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty chứng khoán VNDIRECT, cho biết: "Nhóm các ngân hàng cổ phần nhà nước, ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất vẫn ở mức dưới 4%. Trong khi các kỳ hạn dài hơn, lãi suất vẫn ở dưới mức 6%. Tuy nhiên, với nhóm các ngân hàng thương mại tư nhân, rõ ràng có một cuộc đua lãi suất khi một số ngân hàng thậm chí đẩy lãi suất kỳ hạn dài lên trên 7%, cao nhất hiện nay là 7,6%".
Còn theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng đã phân tích trong nửa đầu năm, lãi suất huy động của các ngân hàng có xu hướng tăng với mức 0,5%-1 điểm % chủ yếu ở các kỳ hạn từ 6-12 tháng. Nguyên nhân là do thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng không còn dồi dào như năm 2021, nhu cầu tín dụng tăng cao, khi tăng trưởng tín dụng 6 tháng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021… đã kéo theo nhu cầu vốn tăng.
Hà Lan