|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Petrovietnam tổ chức chương trình đào tạo “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Dầu khí”

Trong các ngày (10-12/8, 17-19/8 và 24/8), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức khóa đào tạo “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp dầu khí” cho 150 cán bộ cấp lãnh đạo, quản lý của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Chương trình được Ban Tổ chức và Quản trị Nguồn nhân lực Tập đoàn chủ trì, cùng với sự phối hợp triển khai của Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) và Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông (ICI) thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông.

Khóa học có sự tham gia chia sẻ của các diễn giả gồm: GS.TS. Hồ Tú Bảo (Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán học), TS. Nguyễn Nhật Quang (Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA) và PGS.TS Trần Minh Tuấn (Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông).

Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Đây là một trong các hoạt động phổ biến thông tin và kiến thức về chuyển đổi số, các chính sách và định hướng của Nhà nước, khái niệm và các bước chuyển đổi số trong doanh nghiệp, các bài học kinh nghiệm để Petrovietnam và các đơn vị thành viên tiếp tục đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới. Khóa học được tổ chức bằng hình thức trực tuyến trong bối cảnh đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Các học viên đánh giá rất cao về nội dung, thông tin, kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy của các diễn giả, bố cục chương trình cũng như công tác tổ chức.

Petrovietnam tổ chức chương trình đào tạo “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Dầu khí”
Phổ biến các thông tin, kiến thức về chuyển đổi số

Tại khóa học, các diễn giả đã chia sẻ những phương pháp luận quan trọng của chuyển đổi số “2-6-5”, cụ thể là xây dựng mô hình tổ chức, vận hành hiện tại, dựa trên quan điểm “Tư duy hệ thống” và “Dữ liệu + Kết nối” để thiết kế hệ thống đích đồng thời đánh giá ngược lại hệ thống hiện tại để biết khoảng cách từ hiện tại đến đích mong muốn. Dựa vào phân tích khoảng cách, xây dựng đề án (chiến lược) chuyển đổi số theo 6 nguyên tắc “Tổng thể, Toàn diện, Đồng bộ, Đột phá, Chính chủ, Lãnh đạo”. Đối với mỗi bước đi trong đề án tổng thể cần lập kế hoạch và triển khai đồng bộ 5 thành phần công việc liên quan đến “Con người, Định chế, Công nghệ, Lộ trình, Quản trị thực thi”. Sau khi hoàn thành mỗi bước cần đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm về cách làm, quay trở lại cập nhật mô hình hiện trạng, có thể cập nhật mô hình đích theo hiểu biết mới và chuẩn bị các bước đi tiếp theo.

Chuyên đề “Chuyển đổi số Petrovietnam” dưới sự dẫn giải của các giảng viên được các anh chị học viên từ Tập đoàn và các đơn vị thảo luận sôi nổi
Chuyên đề “Chuyển đổi số Petrovietnam” thu hút sự quan tâm và thảo luận sôi nổi

Chuyên đề “Chuyển đổi số Petrovietnam” dưới sự dẫn giải của các giảng viên được các anh chị học viên từ Tập đoàn và các đơn vị thảo luận sôi nổi và chia sẻ nhiều thông tin về thực trạng, thuận lợi, khó khăn, mục tiêu, định hướng và giải pháp trong thời gian tới cũng như một số gợi ý về hạ tầng thông tin và truyền thông trong mối liên kết với ngành Dầu khí, không gian mới của ngành Dầu khí, hạ tầng ngành Dầu khí số.

Các diễn giả nhấn mạnh, chuyển đổi số chủ yếu là thay đổi, là việc thay đổi (chuyển đổi) cách hoạt động bằng các công nghệ mới chứ không phải việc dùng các công nghệ này. Chuyển đổi số của nơi nào phải do chính nơi đó xây dựng chiến lược và lộ trình, kế hoạch và thực hiện (“chính chủ”). Nhận thức là bước đầu tiên. Hiểu bản chất của những vấn đề cơ bản về chuyển đổi số là điều kiện cần để làm chuyển đổi số. Nghĩ về cơ hội số và tinh thần đổi mới sáng tạo.

đánh giá rất cao về nội dung, thông tin, kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy
Khóa học được đánh giá rất cao về nội dung, thông tin, kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 về “Thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam” và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Petrovietnam đã chủ động khẩn trương triển khai công tác chuyển đổi số tại Công ty mẹ. Đây là nhiệm vụ cần thiết, phù hợp xu thế chung của thế giới và ngành Dầu khí, giúp hình thành nền tảng số liên kết các chuỗi giá trị, tăng năng suất, tối ưu chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng minh bạch và hiệu quả, thu hẹp khoảng cách; quy hoạch, định hướng, phối hợp, hỗ trợ các đơn vị thành viên thực hiện chuyển đổi số để Petrovietnam trở thành một tập đoàn số toàn diện vào năm 2030. Petrovietnam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, đặc biệt đối với cấp Lãnh đạo quản lý cấp trung để nắm rõ mục tiêu, lộ trình, phương thức triển khai chuyển đổi số, đồng bộ triển khai văn hóa số trong toàn Tập đoàn nhằm định hướng tư duy cho toàn thể CBNV của Tập đoàn.

Trước đó, vào ngày 29/1/2021, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) đã ký Biên bản ghi nhớ với và Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông (ICI) thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn giải pháp số và chuyển đổi số nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Khung chương trình đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo và quản lý về chuyển đổi số do Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (hợp tác cùng ICI và các chuyên gia đầu ngành thực hiện, cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ TT&TT) triển khai, bao gồm: Các chương trình cơ bản; Các chuyên đề dành cho lãnh đạo, trưởng ban chuyển đổi số; Các chuyên đề dành cho cán bộ kỹ thuật chuyên trách về chuyển đổi số; Các chuyên đề đào tạo nhận thức và kỹ năng dành cho người lao động.

Minh Châu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin